Nội dung chính:
Văn bản “Một đời như kẻ tìm đường” của Phan Văn Trường đã gửi gắm những chiêm nghiệm của tác giả về việc lựa chọn hướng đi đúng đắn của mỗi người trên đường đời. Dù đặt trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn phải bước tiếp và đưa ra sự lựa chọn của mình và bất kì con đường nào cũng có lối ra, đi đường nào cũng có thể thành công bởi hạnh phúc nằm ngay trên chính con đường mà ta đã chọn.
TRƯỚC KHI ĐỌC:
Mỗi lựa chọn của chúng ta ngày hôm nay có ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của chúng ta trong tương lai? Làm thế nào để đưa ra những lựa chọn đúng trong cuộc đời?
Lời giải:
- Mỗi lựa chọn của chúng ta trong hôm nay đều có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của chúng ta trong tương lai, bởi nó sẽ dẫn đến những hướng đi khác nhau trên đường đời.
- Để đưa ra lựa chọn đúng trong cuộc đời, chúng ta cần xác định được mục tiêu của bản thân, năng lực của bản thân để từ đó xác định con đường phù hợp với chính mình.
TRONG KHI ĐỌC:
Câu 1 (trang 107, SGK Ngữ văn 10, tập 2) Dựa đoán về nội dung sẽ được trình bày trong văn bản.
Lời giải:
Nội dung sẽ được trình bày trong văn bản có thể là về khó khăn của nhân vật khi phải lựa chọn những con đường cho tương lai.
Câu 2 (trang 107, SGK Ngữ văn 10, tập 2) Người viết đã nêu lên những tình huống lựa chọn nào?
Lời giải:
Người viết đã nêu ra những tình huống lựa chọn là:
- Tình huống lựa chọn ngoại ngữ thịnh hành và chương trình học cổ điển hoặc hiện đại. Cha mẹ nhân vật có ý hướng anh vào chương trình cổ điển còn nhân vật tôi sau khi nghe nhạc Mỹ thì nghiêng hẳn về phía hiện đại.
- Tình huống lựa chọn ngành nghề, công việc trong tương lai. Cha anh muốn anh theo ngành kiến trúc, mẹ thì thích bác sĩ và cuối cùng cả hai hướng nhân vật tôi theo nghề công chức – một sự lựa chọn an toàn.
Câu 3 (trang 108, SGK Ngữ văn 10, tập 2) Chú ý những suy ngẫm, đúc rút của người viết.
Lời giải:
Những suy ngẫm, đúc rút của người viết là cuộc đời luôn có nhiều ngã rẽ, khúc quanh phải lựa chọn, dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải đưa ra một lựa chọn hoặc đôi khi không có quyền được chọn. Mỗi lựa chọn, mỗi lộ trình sẽ đẩy chúng ta đến với sự thay đổi có thể tốt hoặc có thể xấu.
Câu 4 (trang 108, SGK Ngữ văn 10, tập 2) Chú ý cách lý giải về mối quan hệ giữa lựa chọn và số phận.
Lời giải:
Giữa lựa chọn và số phận chỉ cách nhau bởi một vách ngăn mỏng manh, số phận chưa hẳn đã là sự lựa chọn trước đấy của chúng ta và cái chúng ta lựa chọn có thể sẽ là số phận tương lai của chúng ta. Mối quan hệ giữa lựa chọn và số phận rất gần gũi và gắn với nhau.
Câu 5 (trang 109, SGK Ngữ văn 10, tập 2) Chú ý những đúc rút, suy ngẫm của người viết.
Lời giải:
Những đúc rút, suy ngẫm của người viết là cuộc đời là một hành trình dài vô tận, đường đi có thể là sự thành công hoặc thất bại, hạnh phúc hay khổ đâu là tùy vào tâm trạng của chúng ta, vào những thứ chúng ta gặt hái được trên đường đi.
Câu 6 (trang 109, SGK Ngữ văn 10, tập 2) Chú ý giọng điệu của người viết.
Lời giải:
Người viết có giọng điệu vui tươi, hạnh phúc, có tâm trạng nhẹ nhõm và hài lòng với cuộc đời của mình, với những việc mình đã làm.
SAU KHI ĐỌC:
Câu 1: Theo bạn, mục đích của bài viết này là gì?
Lời giải:
Mục đích của bài viết nhằm gửi gắm đến bạn đọc thông điệp hãy trân trọng những giá trị mà chúng ta đạt được trên hành trình cuộc đời: mỗi người đều đang là một kẻ tìm đường, tìm kiếm thành công và hạnh phúc. Tuy nhiên, thành công và hạnh phúc không tuỳ thuộc vào con đường chúng ta đi mà nằm ở những giá trị mà chúng ta gieo ngay trên những nẻo đường đã qua.
Câu 2: Xác định quan điểm chính của tác giả trong bài viết này. Quan điểm ấy đã được triển khai qua hệ thống lí lẽ và bằng chứng như thế nào?
Lời giải:
- Quan điểm chính của tác giả: Cứ cho đi thì mới thấy được thứ mình đi tìm
- Quan điểm ấy đã được triển khai qua hệ thống lí lẽ chặt chẽ khi tác giả chia sẻ về những lựa chọn của con người trên đường đời:
+ Cuộc đời của mỗi chúng ta có thể ví như một con đường với hàng ngàn khúc quanh, đến khúc quanh nào chúng ta cũng bắt buộc phải có những lựa chọn.
+ Cuộc đời dù tiến hay lùi, vẫn phải tiếp tục bước đi.
+ Đi đường nào rồi cũng có thể thành công, chọn lối nào rồi cũng có khả năng đạt hạnh phúc, vì hạnh phúc và thành công không tuỳ thuộc vào con đường chúng ta đi, mà vào tâm trạng tự tại của chúng ta, cũng như vào những giá trị mà chúng ta gieo ngay trên những nẻo đường đã đi qua.
+ Cả cuộc đời tìm đường để rồi mãi tới lúc xế chiều tôi mới khám phá ra chẳng có đường để tìm.
- Hệ thông bằng chứng chân thực, xác đáng: đó là câu chuyện lựa chọn ngành học của tác giả với ba mẹ, là những trải nghiệm nghề nghiệp của chính tác giả.
Câu 3: Chỉ ra các yếu tố tự sự, biểu cảm và phân tích tác dụng của chúng trong văn bản.
Lời giải:
- Yếu tố tự sự: tác giả kể về câu chuyện lựa chọn ngành học của mình cùng bố mẹ (Năm mười bốn tuổi....hoạt động xã hội nhiều hơn), câu chuyện nghề nghiệp của tác giả (Tôi sang Pháp năm mười bảy tuổi....Bồ Đào Nha)
=> Tác dụng: việc kể lại trải nghiệm của bản thân là một dẫn chứng cụ thể, xác đáng, giúp văn bản thêm tính chân thực, đáng tin cậy, từ đó tăng tính thuyết phục đối với bạn đọc.
- Yếu tố biểu cảm: tác giả bày tỏ những suy nghĩ cá nhân về hành trình cuộc đời của mình. (Cá nhân tôi trong suốt bấy nhiêu năm toàn gặp những tình huống lạ kì. / Suốt cuộc đời tôi đã mấy mò, giống như người khiếm thị lại phải đi trong cảnh sương mù.../ Suốy cuộc đời tìm đường, tôi đã tìm thấy sức mạnh của mình trong những thử thách vô cùng gian nan...)
=> Tác dụng: giúp tác giả có thể nhấn mạnh những thông điệp muốn truyền tải, tạo được mối liên kết gần gũi giữa người viết và người đọc, từ đó tạo được sự tin tưởng và thuyết phục từ bạn đọc.
Câu 4: Nhan đề của bài viết là Một đời như kẻ tìm đường. Nhưng trong bài viết, tác giả lại nói: “Cả cuộc đời tìm đường để rồi mãi tới lúc xế chiều tôi mới khám phá ra chẳng có đường để tìm.” Liệu tác giả có tự mâu thuẫn với chính mình hay không? Phải chăng việc tìm đường là một việc không có nhiều ý nghĩa?
Lời giải:
Tác giả đặt tên nhan đề là “Một đời như kẻ tìm đường” nhưng lại viết“cả cuộc đời tìm đường đi rồi mãi từ lúc xế chiều tôi mới khám phá ra chẳng có đường để tìm” vì chỉ khi đã trải qua những thăm trầm của cuộc đời, tích luỹ được những trải nghiệm cuộc sống, con người mới nhận ra, đường là do chính bản thân mình tạo ra. Sẽ không có một con đường đúng đắn nào được định sẵn để chúng ta lựa chọn, bất kì con đường nào cũng dẫn tới thành công và hạnh phúc bởi nó nằm ở những giá trị mà chúng ta gieo ngay trên hành trình đi qua. Vì vậy, tác giả không tự mâu thuẫn với chính mình mà tác giả nhận ra: tìm đường là một việc ý nghĩa – đó là biết cho đi, gieo thành công và hạnh phúc trên hành trình cuộc đời mình.
Câu 5: Hãy nêu một luận điểm trong bài viết trên mà bạn thấy tâm đắc hoặc còn băn khoăn. Lí do nào khiến bạn thấy luận điểm ấy thuyết phục mình hay làm bạn muốn đối thoại với tác giả?
Lời giải:
Luận điểm khiến tôi tâm đắc nhất là: “Cuộc đời dù tiến hay lũi, vẫn phải tiếp tục bước đi”. Đúng vậy, cuộc đời là một cuộc hành trình, vì vậy, chúng ta không thể mãi đứng lại một chỗ. Dù lựa chọn con đường nào, chúng ta cũng phải bước tiếp bởi bất kì con đường nào chỉ cần chúng ta bước đi bằng cả tinh thần, nhiệt huyết, trách nhiệm, chắc chắn sẽ gặt hái được hạnh phúc và thành công.
Câu 6: Từ bài thơ Con đường không chọn và bài viết Một đời như kẻ tìm đường, bạn suy nghĩ gì về những lựa chọn của mỗi người trong cuộc sống?
Lời giải:
Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có một hướng đi riêng, có một sự lựa chọn riêng. Không ai có thể bắt chúng ta đi theo con đường của họ hay bắt ta dừng lại trên con đường của chính mình. Hướng đi trong cuộc sống mỗi người phụ thuộc vào ý chí, năng lực và mục tiêu của bản thân người đó, vì vậy, chúng ta hãy cứ đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất với chính mình, tin tưởng vào con đường đã chọn và luôn cố gắng tạo ra thật nhiều giá trị tốt đẹp trên hành trình của mình.
* Kết nối đọc – viết
Theo bạn, thành công và hạnh phúc phụ thuộc vào lựa chọn của chúng ta hay vào những may rủi ngẫu nhiên trong cuộc đời? Viết đoạn văn khoảng 150 chữ thể hiện quan điểm của bạn về vấn đề này.
Trả lời
Thành công và hạnh phúc phụ thuộc vào lựa chọn của chúng ta nhưng cũng có thể phụ thuộc vào những may rủi ngẫu nhiên trong cuộc đời. Tuy nhiên, may rủi không phải lúc nào cũng xuất hiện, điều quyết định đến số phận con người chính là ở lựa chọn của chính chúng ta. Nếu ta lựa chọn một hướng đi phù hợp với bản thân, ta sẽ nhanh chóng gặt hái được thành công và hạnh phúc. Ngược lại, nếu ta đưa ra những quyết định sai lầm, nhanh chóng nản lòng, chán nản với lựa chọn của mình thì sẽ chỉ nhận lại những thất bại. Thế nhưng, dù con đường bạn lựa chọn là đúng hay sai, chúng ta hoàn toàn có thể tự mình thay đổi, bởi thành công, hạnh phúc không phải đích đến mà chính là những giá trị chúng ta gieo trồng ngay trên hành trình cuộc đời mình.
Giaibaitap.me