Câu 1: Truyện có thể chia làm ba đoạn:
- Đoạn 1 (từ đầu đến “lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”): Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương, sự xa cách vì chiến tranh và phẩm hạnh của nàng trong thời gian xa cách.
- Đoạn 2 (“Qua năm sau… nhưng việc trót đã qua rồi”): Nỗi oan khuất và cái chết bi thảm của Vũ Nương.
- Đoạn 3 (phần còn lại): Cuộc gặp gỡ giữa Phan Lang và Vũ Nương trong động Linh Phi. Vũ Nương được giải oan.
Câu 2: Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong các hoàn cảnh khác nhau.
- Cảnh 1: Trong cuộc sống vợ chồng bình thường, nàng “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”.
- Cảnh 2: khi tiễn chồng đi lính. Trong lời dặn dò đầy tình nghĩa của Vũ Nương: nàng không trông mong vinh hiển mà chỉ cầu cho chồng được bình an trở về; cảm thông trước những nỗi vất vả, gian lao mà chồng sẽ phải chịu đựng; nói lên nỗi khắc khoải nhớ nhung của mình. Những lời nói ân tình, đằm thắm của nàng đã làm mọi người đều xúc động.
- Cảnh 3: khi xa chồng, Vũ Nương là người vợ thủy chung, yêu chồng tha thiết, nỗi buồn nhớ cứ dài theo năm tháng (những hình ảnh “bướm lượn đầy vườn” – chỉ cảnh mùa xuân vui tươi, “mây che kín núi” - chỉ cảnh mùa đông ảm đạm là những hình ảnh ước lệ, mượn cảnh vật thiên nhiên để diễn tả sự trôi chảy của thời gian). Nàng còn là người mẹ hiền, dâu thảo, một mình vừa nuôi con nhỏ vừa tận tình chăm sóc mẹ già những lúc yếu đau, lo thuốc thang, cầu khấn thần phật, và lúc nào cũng dịu dàng, ân cần “lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”.
- Cảnh 4: khi bị chồng nghi oan.
+ Lời thoại 1: phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình. Vũ Nương nói đến thân phận mình, tình nghĩa vợ chồng và khẳng định tấm lòng thủy chung trong trắng, cầu xin chồng đừng nghi oan, nghĩa là đã hết lòng tìm cách hàn gắn cái hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ.
+ Lời thoại 2: nói lên nỗi đau đớn, thất vọng khi không hiểu vì sao bị đối xử bất công, bị “mắng nhiếc… và đánh đuổi đi”, không có quyền được tự bảo vệ, ngay cả khi có “họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho”. Hạnh phúc gia đình (“thú vui nghi gia nghi thất”), niềm khao khát của cả đời nàng đã tan vỡ, tình yêu không còn (“bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió…”), cả nỗi đau khổ chờ chồng đến thành hóa đá trước đây cũng không còn có thể làm lại được nữa (“đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”).
+ Lời thoại 3: thất vọng đến tột cùng, cuộc hôn nhân đã đến độ không thể nào hàn gắn nổi, Vũ Nương đành mượn dòng nước con sông quê hương để giãi tỏ tấm lòng trong trắng của mình, nàng “tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang, ngửa mặt lên trời mà than rằng…”. Lời than như một lời nguyền, xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và tiết sạch giá trong của nàng. Ở đoạn truyện này, tình tiết được sắp xếp đầy kịch tính, Vũ Nương bị dồn đẩy đến bước đường cùng, nàng đã mất tất cả, đành phải chấp nhận số phận sau mọi cố gắng không thành. Hành động tự trẫm mình của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự, có nỗi tuyệt vọng đắng cay, nhưng cũng có sự chỉ đạo của lí trí, không phải là hành động bột phát trong cơn nóng giận như truyện cổ tích miêu tả.
=> Vũ Nương là một người phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiền thục, lại đảm đang, tháo vát, thờ kính mẹ chồng rất mực hiếu thảo, một dạ thủy chung với chồng, hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình.
Câu 3: Vũ Nương phải chịu cái chết oan khuất vì nững nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp.
- Nguyễn nhân gián tiếp:
+ Chiến tranh phong kiến.
+ Chế độ gia trưởng, trọng nam khinh nữ.
+ Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương có phần không bình đẳng (Trương Sinh “xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về” và lời nói của Vũ Nương “Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu”).
- Nguyễn nhân trực tiếp:
+ Do chồng vô học đa nghi, hay ghen và gia trưởng, độc đoán. Trương Sinh không đủ bình tĩnh để phán đoán, phân tích, bỏ ngoài tai những lời phân trần của vợ, không tin cả những nahan chứng bênh vực cho nàng, cũng nhất quyết không nói ra duyên cớ để cho vợ có cơ hội minh oan. Nút thắt ngày một chặt, kịch tính ngày một cao. Trương Sinh trở thành một kẻ vũ phu, thô bạo “mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi”, dẫn đến cái chết oan nghiệt của Vũ Nương. Cái chết đó khác nào bị bức tử, mà kẻ bức tử lại hoàn toàn vô can.
+ Do lời nói của đứa trẻ ngây thơ, chứa đầy những dữ kiện đáng ngờ. Thoạt đầu là sự ngạc nhiên của nó khi thấy mình có những hai người cha, một người biết nói và một người “chỉ nín thin thít”. Khi bị gạn hỏi, nó mới nói thêm đấy là “một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi”. Thông tin ngày một gay cấn ấy như đổ thêm dầu vào lửa, “tính đa nghi” của Trương Sinh đã đến độ cao trào, chàng “đinh ninh là vợ hư”.
=> Bi kịch của Vũ Nương là một lời tố cáo xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu và của người đàn ông trong gia đình. Người phụ nữ đức hạnh ở đây không những không được bênh vực, chở che mà lại còn bị đối xử một cách bất công, vô lí; chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ và sự hồ đồ, vũ phu của người chồng ghen tuông mà đến nỗi phải kết liễu cuộc đời mình.
Câu 4:
- Về cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện của tác giả: Trên cơ sở cốt truyện có sẵn, tác giả đã sắp xếp lại một số tình tiết, thêm bớt hoặc tô đậm những tình tiết có ý nghĩa, có tính chất quyết định đến quá trình diễn biến của truyện cho hợp lí, tăng cường tính bi kịch và cũng làm cho truyện trở nên hấp dẫn và sinh động hơn. Chi tiết Trương Sinh “đem trăm lạng vàng” cưới Vũ Nương, cuộc hôn nhân trở nên có tính chất mua bán; lời trăng trối của bà mẹ chồng khẳng định một cách khách quan nhân cách và công lao của Vũ Nương đối với gia đình nhà chồng; những lời phân trần, giãi bày của nàng khi bị nghi oan và hành động bình tĩnh, quyết liệt của nàng khi tìm đến cái chết… Lời nói của đứa trẻ, cái cớ để Trương Sinh nổi máu ghen, được đưa ra dần dần, và thông tin ngày một gay cấn làm cho nút thắt ngày một chặt hơn, để rồi sự thật được làm sáng tỏ sau khi Vũ Nương đã không còn nữa. Truyện trở nên có tính kịch hơn, gợi cảm hơn…
- Giá trị nghệ thuật của những đoạn đối thoại và những lời tự bạch của nhân vật: truyện có nhiều lời thoại và lời tự bạch của nhân vật, được sắp xếp rất đúng chỗ, làm cho câu chuyện trở nên sinh động, góp phần không nhỏ vào việc khắc họa quá trình tâm lí và tính cách nhân vật (lời nói của bà mẹ Trương Sinh là của một người nhân hậu và từng trải; lời của Vũ Nương bao giờ cũng chân thành, dịu dàng, mềm mỏng, có tình, có lí, ngay cả trong lúc đáng tức giận nhất, là lời của một người phụ nữ hiền thục, nết na, trong trắng, không có gì khuất tất; lời đứa trẻ hồn nhiên, thật thà,…).
Câu 5:
- Những yếu tố kì ảo:
+ Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa.
+ Phan Lang lạc vào động rùa của Linh Phi, được đãi tiệc yến và gặp Vũ Nương, người cùng làng đã chết, rồi được sứ giả của Linh Phi rẽ nước đưa về dương thế;
+ Hình ảnh Vũ Nương hiện ra sau khi Trương Sinh lập đàn tràng giải nỗi oan cho nàng ở bến Hoàng Giang lung linh, huyền ảo, với “kiệu hoa… cờ tán, võng lọng rực rỡ… lúc ẩn, lúc hiện”, rồi bỗng chốc “bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất”.
- Ý nghĩa của những yếu tố kì ảo:
+ Trước hết nó làm hoàn chỉnh thêm những nét đẹp vốn có của nhân vật Vũ Nương, một con người dù đã ở thế giới khác vẫn nặng tình với cuộc đời, quan tâm đến chồng con, phần mộ tổ tiên, vẫn khao khát được phục hồi danh dự.
+ Điều quan trọng hơn là những yếu tố kì ảo đó đã tạo nên một kết thúc phần nào có hậu cho tác phẩm, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng trong cuộc đời, người tốt dù có trải qua bao oan khuất, cuối cùng sẽ được minh oan.
Luyện tập: Hãy kể lại Chuyện người con gái Nam Xương theo cách của em.
Bài làm
Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương xinh đẹp, nết na. Trương Sinh cùng làng, mến vì dung hạnh, xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Biết tính chồng đa nghi, nàng giữ gìn khuôn phép không để xẩy ra bất hòa.
Cuộc sum vầy chưa được bao lâu thì Trương Sinh phải tòng quân đi đánh giặc Chiêm. Trong buổi tiễn đưa, Vũ Nương rót chén rượu đầy đưa cho chồng và nói chỉ mong ngày chồng trở về mang theo hai chữ bình yên.
Chồng ra lính được một tuần thì Vũ Nương sinh được đứa con trai đặt tên là Đản. Nửa năm đã trôi qua, bà mẹ chồng già yếu, buồn lo rồi đau ốm. Nàng hết lòng săn sóc cơm cháo thuốc thang, ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn. Bệnh mỗi ngày một nặng, mẹ chồng qua đời, nàng vô cùng thương xót, mọi việc ma chay tế lễ, nàng lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.
Qua năm sau giặc tan, Trương Sinh được trở lại nhà, con vừa học nói. Chàng bế con đi thăm mồ mẹ, đứa trẻ không chịu và quấy khóc. Nghe Sinh dỗ dành, con ngây thơ nói: "Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói. chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít". Nghe Sinh gạn hỏi, đứa bé lại nói: "Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chảng bao giờ bế Đản cả". Vốn có tính ghen, nghe con nói, Trương Sinh đinh ninh là vợ hư. Chàng la um lên cho hả giận. Vợ khóc lóc phân trần, chàng càng mắng nhiếc đánh đuổi đi. Trước cảnh bình rơi trâm gãy, Vũ Nương tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang, ngửa mặt lên trời mà than, mong thần sông linh thiêng chứng giám. Nàng nguyền, nếu đoan trang, trinh bạch xin được làm ngọc Mị Nương, làm cỏ Ngu mĩ; nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con thì xin làm mồi cho tôm cá, làm cơm cho diều quạ...
Vũ Nương nhảy xuống sông tự tử. Chẳng bao lâu sau, một đêm vắng vẻ, ngồi dưới đèn khuya, bỗng đứa con chỉ chiếc bóng in lên vách mà nói rằng: "Cha Đản lại đến kia kìa'". Lúc bấy giờ Trương Sinh mới thấu nỗi oan của vợ.
Lại nói chuyện Phan Lang người cùng làng, làm đầu mục ở bến đò Hoàng Giang. Một đêm chiêm hao thấy người con gái áo xanh đến kêu xin tha mạng. Sáng dậy, có người phường chài đem biếu một con rùa mai xanh, Phan chợt nghĩ đến chuyện mộng bèn đem thả con rùa ấy. Chẳng bao lâu sau, dưới thời Khai Đại nhà Hồ, giặc Minh sang cướp nước ta. Nhiều người sợ hãi chạy trốn, thuyền bè bị đắm, chết đuối đầy sông, trong đó có Phan Lang, xác dạt vào động rùa ở hải đảo. Linh Phi là vợ vua Nam Hải chợt nhìn thấy, bèn nói: "Đâv là vị ân nhân cứu sống ta thuở xưa". Linh Phi lấy khăn dấu mà lau, thuốc thần mà đổ, một chốc sau Phan Lang hồi sinh.
Linh Phi rước Phan Lang vào cung nước, mở tiệc lớn ở gác Triêu Dương để đãi ân nhân. Trong bữa tiệc có nhiều mĩ nhân, áo quần thướt tha, tóc búi xễ, trong đó có một người chỉ điểm qua son phấn rất giống Vũ Nương. Tiệc xong, người đàn bà ấy đến gặp Phan Lang. Vũ Nương nói lại tình cảnh mình được các nàng tiên trong cung nước thương tình mà cứu sống. Nghe Phan nhắc lại cố hương, mồ mả tiền nhân,... Vũ Nương khóc...
Hôm sau, Linh Phi lấy một cái túi bằng lụa tía, đựng 10 hạt minh châu, sai sứ Xích Hỗn đưa Phan ra khỏi nước. Vũ Nương cũng gửi Phan chiếc hoa vàng đưa về cho Trương Sinh và dặn lập đàn giải oan, đốt cây đèn thần trên bến Hoàng Giang thì nàng sẽ trở về.
Nhận được chiếc hoa vàng, Trương Sinh thốt lên: "Đây quả là vật dùng mà vợ tôi mang lúc ra đi...". Sinh làm đàn tràng, đốt cây đòn thần ba ngày đêm trên bến Hoàng Giang. Vũ Nương đã hiện về, ngồi trên một chiếc kiệu hoa, theo sau có 50 chiếc xe cờ tán, võng lọng rực rỡ đầy sông."Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng trở về nhân gian được nữa...", tiếng Vũ Nương vọng vào, bóng nàng loang loáng mờ dần rồi biến mất.
Giaibaitap.me