Câu 1 trang 10 SGK Sinh học 12 nâng cao
Gen là gì? Gen có cấu trúc như thế nào? Có bao nhiêu loại gen? Cho ví dụ một số loại gen đó.
Trả lời:
- Khái niệm về gen: Gen là một đoạn của phân tử ADN mang thông tin mã hóa cho một sản phẩm xác định (sản phẩm đó có thể là chuỗi polipeptit hay ARN).
- Mỗi gen mã hoá prôtêin điển hình gồm 3 vùng trình tự nuclêôtit:
+ Vùng khởi đầu nằm ở đầu gen mang tín hiệu khởi động và kiểm soát quá trình phiên mã.
+ Vùng mã hoá mang thông tin mã hoá các axit amin.
+ Vùng kết thúc nằm ở cuối gen mang tín hiệu kết thúc.
Gen cấu trúc ở sinh vật nhân sơ có vùng mã hoá liên tục gen không phân mảnh), còn ở phần lớn sinh vật nhân thực, bên cạnh các đoạn exôn mã hoá axit amin còn được xen kẽ các đoạn intrôn không mã hoá axit amin (gen phân mảnh).
Câu 2 trang 10 SGK Sinh học 12 nâng cao
Nêu các đặc điểm của mã di truyền
Trả lời:
- Mã di truyền là mã bộ ba, nghĩa là cứ 3 nuclêôtit đứng kế tiếp nhau quy định một axit amin. Mã di truyền được đọc từ một điểm xác định và liên tục từng bộ ba nuclêôtit không chồng gối lên nhau.
- Mã di truyền có tính đặc hiệu, tức là một bộ ba chỉ mã hoá cho một axit amin.
- Mã di truyền có tính thoái hoá - dư thừa, có nghĩa là có nhiều bộ ba khác nhau có thể cùng mã hoá cho một axit amin.
- Mã di truyền có tính phổ biến, tất cả các loài đều dùng chung một bộ mã di truyền, trừ một vài ngoại lệ.
- Trong số 64 bộ ba thì có 3 bộ ba không mã hoá axit amin. Ba bộ ba này là UAA, UAG, UGA và được gọi là các bộ ba kết thúc vì nó quy định tín hiệu kết thúc quá trình dịch mã.
- Bộ ba AUG được xem là mã mở đầu với chức năng quy định điểm khởi đầu dịch mã và quy định axit amin mêtiônin (ở sinh vật nhân sơ là foocmin mêtiônin)
Câu 3 trang 10 SGK Sinh học 12 nâng cao
Thế nào là nhân đôi ADN theo nguyên tắc bổ sung và bán bảo tồn? Đoạn Okazaki là gì?
Trả lời:
Nhân đôi ADN theo cơ chế một mạch mới bổ sung (khuôn có chiều 3’->5’) được tổng hợp liên tục. Còn mạch mới bổ sung thứ 2 (mạch gốc có chiều 5’->3’) được tổng hợp từng đoạn ngắn (đoạn Okazaki) sau đó các đoạn được nối với nhau để tạo thành mạch hoàn chỉnh: Mỗi đoạn Okazaki đều được tổng hợp theo chiều 5'->3’ nhưng toàn mạch khi hoàn thành có chiều ngược với mạch gốc của nó.
Câu 4 trang 10 SGK Sinh học 12 nâng cao
Nêu những điểm giống và khác nhau giữa tự nhân đôi ADN ở sinh vật nhân sơ (E.coli) với tự nhân đôi ADN ở sinh vật nhân thực.
Trả lời:
- Giống nhau: Nhân đôi ADN ở sinh vật nhân sơ và nhân đôi ADN ở sinh vật nhân thực có cơ chế giống nhau.
- Khác nhau: Nhân đôi ADN ở sinh vật nhân sơ xảy ra ở 1 đơn vị nhân đôi còn sinh vật nhân thực ở nhiều đơn vị nhân đôi. Mỗi đơn vị nhân đôi có 2 chạc hình chữ Y được tổng hợp đồng thời. Nhân đôi ADN ở sinh vật nhân thực xảy ra ở nhiều đơn vị trong mỗi phân tử ADN, trên nhiều phân tử ADN, do đó rút ngắn thời gian nhân đôi của tất cả ADN.
Câu 5 trang 10 SGK Sinh học 12 nâng cao
Hãy chọn phương án trả lời đúng. Sự nhân đôi ADN ở sinh vật nhân thực có sự khác biệt với sự nhân đôi của ADN ở E. coli về:
1. chiều tổng hợp ; 2. các enzim tham gia; 3. thành phần tham gia; 4. số lượng các đơn vị nhân đôi; 5. nguyên tắc nhân đôi.
Tổ hợp đúng là
A. 1, 2.
B. 2, 3.
C. 2,4.
D. 3, 5.
Trả lời:
Đáp án C
Câu 6 trang 10 SGK Sinh học 12 nâng cao
Hãy chọn phương án trả lời đúng. Mã di truyền mang tính thoái hoá nghĩa là
A. một bộ ba mã hoá một axit amin.
B. một axit amin có thể được mã hoá bởi hai hay nhiều bộ ba.
C. có một số bộ ba không mã hoá axit amin.
D. có một bộ ba khởi đầu.
Trả lời:
Đáp án B
Giaibaitap.me
Giải bài tập trang 16 SGK Sinh học 12 Nâng cao. Câu 1: Trình bày diễn biến của cơ chế phiên mã và kết quả của nó...
Giải bài tập trang 19 SGK Sinh học 12 Nâng cao. Câu 1: Trình bày sơ đồ cơ chế điều hoà hoạt động của gen ở vi khuẩn E. coli theo Jacôp và Mônô...
Giải bài tập trang 24 SGK Sinh học 12 Nâng cao. Câu 1: Đột biến gen là gì? Có những dạng đột biến điểm nào?...
Giải bài tập trang 28 SGK Sinh học 12 Nâng cao. Câu 1: Nêu tính đặc trưng về hình thái, số lượng của bộ NST của loài. Cho ví dụ chứng minh số lượng NST không phản ánh mức độ tiến hoá...