Bài 4 trang 92 Sách bài tập (SBT) Sinh 12 - Bài tập tự giải
Nhân tố tiến hoá là gì ? Kể tên và nêu vai trò của các nhân tố tiến hoá.
Lời giải:
Nhân tố tiến hoá là nhân tố góp phần làm thay đổi tần số các alen và thành phần kiểu gen của quần thể giao phối. Giao phối ngẫu nhiên và các cơ chế cách li không làm biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể giao phối nên không được xem là nhân tố tiến hoá
Vai trò của mỗi nhân tố :
Đột biến gen | Cung cấp nguồn biến dị sơ cấp, qua giao phối hình thành các biến dị tổ hợp là nguồn nguyên liệu thứ cấp cho quá trình tiến hoá. |
Di - nhập gen | Làm biến đổi tần số của các alen tuỳ theo tỉ lệ số cá thể đến hoặc đi và kích thước của quần thể. Di - nhập gen có ý nghĩa quan trọng đối với những quần thể nhỏ (số lượng cá thể ít). |
Các yếu tố ngẫu nhiên | Các yếu tố ngẫu nhiên của môi trường làm thay đổi tần số alen và thành phần kiểu gen. Các yếu tố ngẫu nhiên cũng có ý nghĩa quan trọng đối với những quần thể nhỏ. |
Giao phối không ngẫu nhiên | Các hình thức giao phối gần hoặc giao phối có lựa chọn không làm thay đổi tần số các alen nhưng làm thay đổi thành phần kiểu gen của quần thể theo hướng giảm số kiểu gen dị hợp, tăng tỉ lệ kiểu gen đồng hợp. |
Chọn lọc tự nhiên | Chọn lọc tự nhiên làm biến đổi tần số các alen và thành phần kiểu gen của quần thể theo hướng thích nghi với điều kiện môi trường xác định. |
Bài 5 trang 92 Sách bài tập (SBT) Sinh 12 - Bài tập tự giải
Đacuyn đã có nhiều khám phá quan trọng ở quần đảo Galapagos, ngày nay người ta cho rằng quần đảo là nơi nghiên cứu lí tưởng của quá trình hình thành loài mới. Hãy giải thích tại sao.
Lời giải:
Đacuyn khám phá các loài chim sẻ và các loài rùa biển trên quần đảo Galapagos có sự phân li tính trạng rất khác nhau do kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên thích nghi với những điều kiện sống khác nhau trên mỗi hòn đảo của quần đảo.
Giữa các đảo có sự cách li tương đối nên các quần thể giao phối trên các đảo ít có điều kiện trao đổi vốn gen với nhau, vì vậy quá trình chọn lọc dễ phân hoá và hình thành các kiểu gen khác nhau dẫn đến hình thành loài mới.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa các đảo lại không quá xa để có thể ngăn cản sự di cư của các cá thể trong một số điều kiện nhất định. Khi có một nhóm cá thể di cư đến một hòn đảo mới thì do sự cách li địa lí, quần thể này có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường mới và cách li sinh sản với quần thể cũ, hình thành loài mới.
Theo Đacuyn, sự phân li tính trạng của 13 loài chim sẻ (hình trên) tại quần đảo Galapagos phân biệt nhau về kích thước cơ thể, màu lông và hình dạng mỏ do thích nghi với những điều kiện môi trường sống và nguồn thức ăn khác nhau
Bài 6 trang 92 Sách bài tập (SBT) Sinh 12 - Bài tập tự giải
Từ quan niệm về tiến hoá nhỏ hãy giải thích khái niệm tiến hoá lớn và chỉ ra quan hệ giữa hai quá trình này.
Lời giải:
Quần thể giao phối là đơn vị của quá trình tiến hoá. Tiến hoá nhỏ kết thúc khi loài mới được hình thành. Quá trình tiến hoá vẫn tiếp tục diễn ra trên một không gian rộng lớn và thời gian lâu dài hàng triệu năm tất yếu dẫn đến tiến hoá lớn. Tiến hoá lớn là quá trình hình thành các nhóm phân loại trên loài như chi, họ, bộ, lớp, ngành. Tiến hoá nhỏ là cơ sở của tiến hoá lớn. Tiến hoá lớn vừa là hệ quả của tiến hoá nhỏ, vừa diễn ra theo những quy luật riêng biệt mà tiến hoá nhỏ không có :
- Quá trình hình thành loài mới từ một loài ban đầu bằng con đường phân nhánh, qua một thời gian lịch sử, ta có thể suy rộng ra các chi, họ, bộ, lớp, ngành gần nhau là có nguồn gốc chung.
- Một số loài thuộc các đơn vị phân loại khác xa nhau nhưng sống trong cùng một điều kiện giống nhau đã được chọn lọc theo cùng một hướng, tích luỹ những đột biến tương tự nên mang một số đặc điểm hình thái giống nhau. Những dấu hiệu phổ biến là :
+ Những nét đại cương trong cấu tạo cơ thể tương tự.
Ví dụ : Cá mập thuộc lớp Cá, ngư long thuộc lớp Bò sát và cá voi thuộc lớp Thú nhưng đều có hình dạng giống cá.
+ Cấu tạo và chức năng tương tự của một vài cơ quan
Ví dụ : chuột túi - gấu túi ; dơi và bò sát bay đều có cánh hình thành từ các nếp gấp da ; các loài côn trùng bay đều có cánh tương tự...
Giaibaitap.me
Giải bài tập trang 92 Chương I Bằng chứng và cơ chế tiến hóa Sách bài tập (SBT) Sinh học 12. Câu 1: Ví dụ nào sau đây là các cơ quan tương đồng ?...
Giải bài tập trang 93 Chương I Bằng chứng và cơ chế tiến hóa Sách bài tập (SBT) Sinh học 12. Câu 5: Các cơ quan thoái hoá là cơ quan...
Giải bài tập trang 94 Chương I Bằng chứng và cơ chế tiến hóa Sách bài tập (SBT) Sinh học 12. Câu 10: Điều nào sau đây không phải là do tác động của chọn lọc cá thể ?...
Giải bài tập trang 95 Chương I Bằng chứng và cơ chế tiến hóa Sách bài tập (SBT) Sinh học 12. Câu 15: Theo Đacuyn, cơ chế chủ yếu của quá trình tiến hoá là...