Trang chủ
Loigiaihay.com 2024

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết
Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Soạn Văn 8 - Kết nối tri thức

Ôn tập học kì 2

Soạn bài Phiếu học tập số 1 trang 129, 130, 131 SGK Ngữ Văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống tập 2. Từ câu chuyện về nhân vật “tôi” và Tường, về chàng thư sinh và người bạn xấu trong đoạn trích, hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về một phẩm chất tốt đẹp cần trau dồi hoặc một thói xấu đáng phê phán của con người.

1. ĐỌC

Câu hỏi 1 (trang 130 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Câu chuyện được kể trong đoạn trích bao gồm những tuyến truyện nào?

A. Tuyến truyện về “tôi” và Tường trong cuộc sống gia đình (làm việc nhà, học hành, đọc sách)

B. Tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu

C. Tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp và lồng ghép với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu, nàng công chúa

D. Tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp và lồng ghép với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu

Lời giải:

C. Tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp và lồng ghép với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu, nàng công chúa

Câu hỏi 2 (trang 130 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Những yếu tố nào giúp em xác định được tuyến truyện trong đoạn trích?

A. Nhân vật và thời gian

B. Nhân vật và không gian

C. Nhân vật và sự việc chính

D. Nhân vật và đối thoại

Lời giải:

Phương án lựa chọn: C

Câu hỏi 3 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Chuyện Cóc tía mà Tường đọc cho “tôi” nghe có tính chất của loại truyện nào?

A. Truyện truyền thuyết

B. Truyện cười

C. Truyện cổ tích

D. Truyện ngụ ngôn

Lời giải:

C. Truyện cổ tích

Câu hỏi 4 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Câu “Để cho anh Hai học bài!” thuộc kiểu câu nào?

A. Câu hỏi

B. Câu kể

C. Câu cảm

D. Câu khiến

Lời giải:

Phương án lựa chọn: C.

Câu hỏi 5 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Xác định loại thành phần biệt lập (in đậm) trong câu sau: “Tâu bệ hạ, trước hết xin bệ hạ hãy cho bắt giam tên này lại”.

A. Thành phần cảm thán

B. Thành phần tình thái

C. Thành phần gọi - đáp

D. Thành phần chêm xen

Lời giải:

C. Thành phần gọi - đáp

Câu hỏi 6 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Dòng nào sau đây chỉ bao gồm những từ Hán Việt được sử dụng trong văn bản?

A. thư sinh, giáo khoa, tài sản, nhường nhịn

B. thư sinh, giáo khoa, tài sản, ngự y

C. thư sinh, giáo khoa, tài sản, ngân nga

D. thư sinh, giáo khoa, tài sản, giáo sư

Lời giải:

Phương án lựa chọn: B

* Trả lời câu hỏi:

Câu hỏi 1 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Câu chuyện được kể trong đoạn trích có cốt truyện đơn tuyến hay đa tuyến? Vì sao?

Lời giải:

Cốt truyện đa tuyến vì câu chuyện có tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp và lồng ghép với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu, nàng công chúa.

Câu hỏi 2 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Qua lời kể của nhân vật “tôi”, em nhận thấy Tường có những đức tính gì đáng quý? Hãy nêu các chi tiết cho thấy rõ những đức tính đó của nhân vật Tường.

Lời giải:

- Những đức tính đáng quý của nhân vật Tường: luôn nhường nhịn, chăm chỉ lao động, yêu thích đọc sách.

- Nêu các chi tiết cụ thể:

+ Chi tiết cho thấy đức tính nhường nhịn của Tường: là em nhưng luôn nhường anh và thay anh làm mọi công việc trong nhà mà không bao giờ oán thán, tị nạnh để anh có thời gian học bài, sẵn sàng kể chuyện (sau khi đọc sách) cho anh nghe trước khi đi ngủ

+ Chi tiết cho thấy đức tính chăm chỉ của Tường: giúp mẹ mọi việc từ “chạy qua bà mượn cái thúng, cái nia, qua nhà hàng xóm xin rơm về lót ổ cho gà đế’ đến “xách nước đổ vô lu”, làm hết “việc nặng việc nhẹ trong nhà” một cách tự nguyện, vui vẻ.

+ Chi tiết cho thấy đức tính “mê sách”, yêu thích đọc sách của Tường: đọc rất nhiễu sách và nhớ kĩ, thuộc lòng những câu chuyện trong sách, kể được rất chi tiết sau khi đọc.

Câu hỏi 3 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Theo em, điều gì ở câu chuyện Cóc tía khiến Tường đặc biệt yêu thích? Việc Tường yêu thích câu chuyện này gợi cho em những suy nghĩ gì về nhân vật?

Lời giải:

- Ở chỗ chàng thư sinh làm bạn với cóc tía, hàng ngày cóc quanh quẩn bên chàng, đớp gọn những con muỗi bay vo ve khi chàng học bài.

- Em nghĩ rằng Tường là một cậu bé nhân hậu, sống tình cảm

Câu hỏi 4 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Nêu những chi tiết cho thấy cách hiểu và đánh giá của nhân vật “tôi” về câu chuyện Cóc tía. Cách hiểu và đánh giá đó của nhân vật “tôi” gợi cho em suy nghĩ gì?

Lời giải:

Những chi tiết cho thấy cách hiểu và đánh giá của nhân vật “tôi” về câu chuyện Cóc tía:

- Chắc chắn chàng thư sinh này đọc sách giáo khoa để đi thi chứ chẳng phải đọc truyện như thằng Tường.

- Tôi không hiểu sao thằng Tường lại thích câu chuyện dở ẹc đó.

=> Cách hiểu và đánh giá đó của nhân vật “tôi” gợi cho em suy nghĩ rằng đây là một cậu bé có cái nhìn hơi phiến diện và chủ quan khi nghe câu chuyện Cóc tía. Cậu chỉ thấy được những sự việc nối tiếp mà không cảm nhận được tính nhân văn, bài học về tình bạn, lòng yêu thương, san sẻ lẫn nhau giữa các nhân vật ở trong truyện.

Câu hỏi 5 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Em yêu thích nhân vật nào trong câu chuyện của đoạn trích này? Vì sao?

Lời giải:

Em yêu thích nhân vật Tường vì đây là một cậu bé nhân hậu, có tấm lòng sẻ chia và rất giàu lòng trắc ẩn.

2. VIẾT

Câu hỏi 1 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Từ câu chuyện về nhân vật “tôi” và Tường, về chàng thư sinh và người bạn xấu trong đoạn trích, hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về một phẩm chất tốt đẹp cần trau dồi hoặc một thói xấu đáng phê phán của con người.

Lời giải:

Bài mẫu 1:

Một trong những phẩm chất cao quý của con người đó là lòng yêu thương. Tình yêu thương dường như là sợi dây vô hình, nối kết những trái tim yêu thương lẫn nhau giữa con người và con người với nhau. Vậy tình yêu thương còn có những giá trị tinh thần nào khác?

Tình yêu thương có nghĩa là gì? Đó là thứ tình cảm thiêng liêng, quý báu là sự quan tâm giữa con người và con người với nhau. Vậy tại sao chúng ta cần phải có tình yêu thương? Bởi vì nó thể hiện phẩm chất cao quý của một con người. Có tình yêu thương, con người bỗng trở nên tốt đẹp hơn trong tâm hồn. Nó nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn về mặt nhân cách, nhân phẩm, đạo đức. Nhờ có tình yêu thương mà những nỗi đau, vết thương trong tâm hồn dường như được hàn gắn, khiến cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, phát triển tốt hơn. Dẫn chứng mà chúng ta dễ dàng thấy được đó chính là những phong trào kêu gọi sự giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt hàng năm hoành hành, vùng đồng bằng Sông Cửu Long bị thiên tai tàn phá nặng nề,… Khi đất nước Nhật Bản bị sóng thần ập vào tàn phá đã để lại biết bao hậu quả đau thương về người, về của cho đất nước này. Tình yêu thương đã được nhân rộng khắp thế giới khi mà phong trào ủng hộ giúp đỡ nhân dân Nhật Bản khắc phục phần nào nỗi đau thương, mất mát này được nở rộ và mạnh mẽ. Những sự việc nêu trên thể hiện tình yêu thương con người luôn luôn sẵn có trong trái tim của mỗi con người nhưng khi có dịp thì tấm lòng yêu thương ấy bỗng trỗi dậy mạnh mẽ như đợt sóng trào dâng. Ngoài những hoạt động, phong trào lớn đó thì ở ngay tại trường lớp tôi cũng có những bạn có gia đình rất nghèo khó cần được giúp đỡ, vì gia đình quá khốn khó mà nhiều bạn phải nghỉ học để phụ giúp gia đình mưu sinh. Chúng tôi là học sinh, tuy không có nhiều tiền nhưng mỗi người một chút, mỗi ngày góp chút ít thì sau một khoảng thời gian chúng tôi vẫn có thể giúp đỡ những bạn nghèo khó này đi học dưới sự giúp đỡ của quý thầy cô trong nhà trường. Những biểu hiện đó phần nào nói lên tình yêu thương luôn có mặt ở khắp mọi nơi.

Tuy vậy, trong đời sống của chúng ta vẫn còn đâu đó rất nhiều những kẻ thờ ơ, ghẻ lạnh, vô tâm trước sự đau khổ, vất vả của những người xung quanh mình. Họ bỏ mặc, họ không hề quan tâm và thờ ơ với tất cả. Những con người này cần phải bị xã hội lên án kịch liệt. Ta dễ dàng bắt gặp những con người này khi ở ngoài đường một người bị tai nạn, té xe xuống đường thì biết bao nhiêu cặp mắt đổ dồn vào cảnh tượng đau thương đó mà không một cánh tay dang ra cứu giúp.

Tóm lại, có lòng yêu thương chính là một phẩm chất tốt đẹp, quý báu mà chúng ta cần gìn giữ và phát huy. Chúng ta là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, ta cần rèn luyện, trau dồi, bồi dưỡng phẩm chất này để cuộc sống tâm hồn của mình ngày càng tốt đẹp hơn.

Bài mẫu 2:

Chúng ta thường sẽ tiếc nuối những việc nên làm mà không làm, những lời nên nói mà không nói ra, những ước mơ chính đáng nhưng không dám theo đuổi. Và sự chăm chỉ, cần cù là “công cụ” giúp bạn tháo gỡ sự tiếc nuối ấy.

Chăm chỉ, cần cù là sự nỗ lực học tập, lao động không ngừng nghỉ. Người chăm chỉ thường luôn sẵn sàng tìm tòi, mày mò những điều mới mẻ, luôn cố gắng trong cuộc sống. Cuộc sống có rất nhiều những khó khăn, thách thức, con người vì thế không thể tránh khỏi những lúc nản lòng, bị sa vào cám dỗ cuộc đời. Nếu chúng ta không bỏ cuộc mà lựa chọn đối mặt, tìm ra cách giải quyết để vượt qua thì khi chúng ta chiến thắng, đó là chiến thắng của sự chăm chỉ, cần cù đến cùng. Nếu bạn luôn chăm chỉ và trau dồi bản thân ở bất cứ đâu, bạn sẽ có thể thấu hiểu bản thân, biết bản thân trân trọng và mong muốn điều gì. Khi đó, bạn tự khắc sẽ thấy con đường theo đuổi chúng dù có khi vất vả, nhưng luôn khiến mình vui vẻ và tràn đầy nhiệt huyết. Chắc hẳn chúng ta đều biết đến Nguyễn Hiền là - vị trạng nguyên đầu tiên và nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta. Cuộc sống thuở nhỏ của Nguyễn Hiền cũng rất khó khăn nhưng ông luôn yêu thích tìm tòi học hỏi và thường lân la ở các lớp học trong làng để có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với chữ nghĩa.

Sự chăm chỉ, cần cù của ông đã khiến người đời kinh ngạc phải gọi ông là ‘’thần đồng’’. Bên cạnh những hình mẫu lý tưởng như vậy, xã hội vẫn còn có nhiều người lười biếng, quen thói dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, không chủ động trong cuộc sống của chính mình. Mong rằng tất cả chúng ta đều sẽ vẽ lên một chặng đường nỗ lực đầy nhiệt huyết cho đời mình.

3. NÓI VÀ NGHE

Câu hỏi 1 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 2): 

Chọn một trong hai nội dung sau đây để chuẩn bị và trình bày bài nói:

a. Ai cũng có thể có những thói xấu và sai lầm. Điều quan trọng là cần nhận thức được điều đó để sửa chữa

b. Phê phán người khác thì dễ, tự biết mình để thay đổi những thói xấu của bản thân mới khó.

Lời giải:

Bài mẫu 1:

Ai cũng có thể có những thói xấu và sai lầm. Điều quan trọng là cần nhận thức được điều đó để sửa chữa. Vậy thế nào là thói quen xấu và thế nào là thói quen tốt? Thói quen xấu là những hành động, việc làm không tốt gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, tinh thần của con người. Thói quen xấu lâu dần ảnh hưởng đến tính cách, khiến người có nhiều thói quen xấu ngày càng phát triển theo hướng tiêu cực. Còn thói quen tốt là những hành động, việc làm mang tính tích cực đến sức khỏe, lối sống, tri thức của con người. Mỗi người cần rèn luyện cho bản thân những thói quen tốt dù là nhỏ nhất để giúp bản thân mình phát triển theo hướng tích cực hơn. Mỗi con người cần rèn luyện cho bản thân mình những thói quen tốt và bài trừ những thói quen xấu ra khỏi cuộc sống, xã hội. Biểu hiện của thói quen tốt ở việc chúng ta biết ăn uống đúng giờ, ngủ đủ giấc, sống ngăn nắp, gọn gàng, sống và làm việc theo thời gian biểu, sắp xếp công việc của mình một cách hợp lý. Người sống với những thói quen tốt sẽ hình thành tính kỷ luật, sự ngăn nắp, cuộc sống luôn sạch đẹp, hạn chế được những mệt mỏi, lo toan. Ngược lại, người có thói quen xấu thường xuyên ăn uống linh tinh, ngủ không đủ giấc, đồ đạc bừa bãi, vứt đồ tùy tiện, sống và làm việc theo cảm hứng, không có sự sắp xếp cuộc sống, uống rượu, hút thuốc,…Thói quen xấu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, bên cạnh đó, nó làm hình ảnh của ta xấu dần đi trong mắt người khác, lâu dần dẫn đến sa sút bản thân,… Để rèn luyện được thói quen tốt và bài trừ những thói quen xấu, trước hết mỗi người cần lên cho bản thân mình một thời gian biểu hợp lý, rèn luyện cho bản thân mình những lối sống lành mạnh, tích cực, cố gắng, trau dồi, phát triển bản thân mình theo chiều hướng tích cực. Mỗi chúng ta chỉ được sống có một lần, hãy trở thành một công dân tốt, rèn luyện cho bản thân những đức tính, thói quen tốt đẹp, tránh xa những điều xấu để trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Bài mẫu 2:

a.

Trong dòng chảy không ngừng nghỉ của cuộc sống bộn bề, tấp nập, con người luôn phải trải qua vô vàn những trải nghiệm khác nhau về sự thành công - thất bại, được - mất, hạnh phúc - khổ đau, đúng - sai... Nằm trong chuỗi hành trình đó, sai lầm là một trong những yếu tố mà chúng ta cần thẳng thắn đối diện và mạnh mẽ vượt qua. Bàn về vấn đề này, Elbert Hubhard từng nói: "Sai lầm lớn nhất mà bạn mắc phải trong cuộc sống là luôn sợ sai lầm".

Như chúng ta đã biết, sai lầm là khái niệm để chỉ những quan điểm, việc làm, hành động không đúng đắn, trái với quy luật khách quan và lẽ phải thông thường. Sai lầm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chủ thể của hành động và thậm chí có thể gây ra hậu quả đối với những người xung quanh. "Sợ sai lầm" là thái độ lo lắng, run sợ bản thân sẽ phạm phải những sai lầm và buông xuôi, đầu hàng, bất lực. Như vậy, câu nói của Elbert Hubhard đã thể hiện một quan điểm về việc con người cần mạnh mẽ đối diện và sửa chữa sai lầm.

Sai lầm luôn là yếu tố diễn ra và xuất hiện trong cuộc sống của con người như quy luật khách quan mang tính tất yếu bởi không ai có thể tránh khỏi sai lầm, vấp ngã. Điều quan trọng là con người cần mạnh mẽ đứng lên, nhìn nhận sai lầm của bản thân và tìm ra nguyên nhân để khắc phục, sửa chữa sai lầm và vượt qua. Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không". Quan điểm cùng hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Người là minh chứng thể hiện rõ lối sống không run sợ trước sai lầm và luôn mạnh mẽ, dũng cảm trong hành động. Mặt khác, sau mỗi sai lầm, vấp ngã, chúng ta sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá cho bản thân và trưởng thành, bản lĩnh, từng trải hơn. Ngược lại, nếu run sợ trước những sai lầm, con người sẽ đánh mất những cơ hội để trải nghiệm, để học hỏi, không thể vượt lên chính mình và không thể mạnh mẽ bước đi trên con đường đầy rẫy những gian nan, thử thách. Sophia Loren - nữ diễn viên người Italia cũng từng tâm sự về hành trình đến với giải Oscar của mình: "Sau tất cả những năm tháng đó, tôi vẫn ở trong quá trình tự khám phá bản thân. Khám phá cuộc sống và phạm lỗi lầm vẫn tốt hơn chọn phương án an toàn. Sai lầm là một phần phí mà con người trả cho một cuộc đời trọn vẹn". Như vậy, thái độ ứng xử của con người trước mỗi lần vấp ngã cũng chính là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của con người, bởi "sợ sai lầm" chính là sai lầm lớn nhất và là nguyên nhân chính khiến con người tiếp tục thất bại và sống thu mình trong chiếc vỏ bọc của sự nhút nhát, yếu mềm.

Như vậy, để hoàn thiện và phát triển bản thân, chúng ta cần rèn luyện thái độ mạnh mẽ đối diện với những sai lầm, từ đó thay đổi và rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, cần hoàn thiện và làm đầy kiến thức, kĩ năng của bản thân sau mỗi lần vấp ngã để đạt tới thành công.

Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định câu nói của Elbert Hubhard đã để lại bài học ý nghĩa giáo dục sâu sắc về thái độ của con người trước những sai lầm: Con người cần mạnh mẽ đối diện với những vấp ngã để rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân và không buông xuôi, sợ hãi trước sai lầm.

b.

Bạn tôi đã từng nói với tôi: “Con người thường dễ dàng phán xét người khác hơn phán xét chính mình.”

Tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Khi chính bản thân mình mắc lỗi thì thường viện cớ này cớ khác để bao biện cho chính mình, nhưng ngược lại người khác mắc lỗi tương tự lại khó có thể tha thứ hay dễ dàng chỉ trích. Thực ra, con người thường không dễ dàng chấp nhận sai lầm của chính mình, họ thường tìm cách giải thích cho hành động sai lầm của mình để an ủi bản thân, xoa dịu chính mình, để bao che cho những cái xấu của mình hay bởi những hành động không đúng của họ không gây ảnh hưởng cho họ. Nhưng, khi người khác làm vậy, họ lại không dễ dàng chấp nhận, bởi hành động không đúng của đối phương có thể nó gây tác động xấu đến họ, hay bởi vì vị trí của họ là ngoài cuộc, dù sự việc như nào cũng sẽ không tác động tới họ nên họ dễ dàng phán xét và phê bình hơn, dễ dàng bàng quan và thờ ơ hơn.

Chúng ta thường hay nói câu “trước khi nói người khác phải biết nhìn lại chính mình”, đúng là như vậy. Khi bạn khó chịu với ai đó hay nặng lời với một ai, hãy nhìn lại chính bản thân, hãy tự hỏi bản thân mình đã từng như vậy chưa?Thực ra thì bạn có thể lấy sai lầm của chính bản thân để giúp đỡ và khuyên bảo cho người khác tránh đi vào vết xe đổ của bản thân, nhưng nếu bạn nói với thái độ chỉ trích và phán xét hay kiểu mỉa mai chê trách thì nó lại là chuyện khác. Hẳn bạn quá hiểu cảm giác khi bản thân trải qua những sai lầm, tâm trạng khi lắng nghe chỉ trích và những lời chê trách của ai khác cũng chẳng dễ chịu gì, uất ức và bất lực ra sao khi bị người khác chĩa mũi nhọn vào bản thân, vậy nên giờ khi đối diện với hình ảnh của mình trong người khác, bạn có nên dùng những lời nói, hành động của mình tấn công đối phương không? Đừng, tôi khuyên bạn hãy nhẹ nhàng khuyên bảo, có thể phê bình nhưng hãy dùng thái độ cầu thị nhất có thể. Hãy giúp đỡ chứ đừng dồn ép, hãy khuyên bảo chứ đừng chỉ trích, hãy nhẹ nhàng chứ đừng mỉa mai. Hành động của bạn sẽ làm cho đối phương cảm thấy được an ủi, sẻ chia. Còn nếu như bạn nhất thiết phải dùng những lời nói sắc nhọn đẩy đối phương vào đường cùng, hẳn sẽ có ngày những lời nói sắc nhọn ấy sẽ quay lại phía bạn, gậy ông đập lưng ông.

Ai cũng sẽ mắc sai lầm. Cảm giác trải qua sai lầm ắt hẳn chẳng vui vẻ gì. Vậy nên, khi nhìn người khác sai lầm giống như mình, hãy biết sẻ chia, thông cảm và chỉ bảo cho họ. Và, khi bạn mắc sai lầm, hãy tự mình chịu trách nhiệm, biết đối diện với sai lầm của bản thân, đừng tự ngụy biện cho chính mình để rồi sai càng thêm sai.

Giaibaitap.me

Góp ý - Báo lỗi

Vấn đề em gặp phải là gì ?

Hãy viết chi tiết giúp Giaibaitap.me

  • Soạn bài Phiếu học tập số 2 lớp 8 Kết nối tri thức

    Soạn bài Phiếu học tập số 2 trang 132, 133 SGK Ngữ Văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống tập 2. Từ hình ảnh người lính trong đoạn thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, trình bày suy nghĩ của em về tình cảm, trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương, đất nước.

Bài giải mới nhất

Bài giải mới nhất các môn khác