Soạn bài: Tuổi Ngựa trang 149 SGK Tiếng Việt 4 tập 1.
Câu 1. Bạn nhỏ tuổi gì ? Mẹ bảo tuổi ấy tính nết thế nào ?
Trả lời:
- Bạn nhỏ được nói đến trong bài sinh vào năm Ngọ, nên có "tuổi Ngựa".
- Mẹ bảo tuổi ấy là "tuổi đi" vì "Ngựa không yên một chỗ"
Câu 2. "Ngựa con" theo ngọn gió rong chơi những đâu ?
Trả lời:
"Ngựa con" sẽ "phi" thoe bao ngọn gió- gió xanh, gió hồng, gió đen; tới những miền đất lạ: miền trung du, vùng đất đỏ, vùng đại ngàn, triền núi đá. Đó là hành trình của mơ ước tuổi thơ:
"-Mẹ ơi, con sẽ phi
Qua bao nhiêu ngọn gió
Gió xanh miền trung du
Gió hồng vùng đất đỏ
Gió đen hút đại ngàn
Mấp mô triền núi đá."
Câu 3. Điều gì hấp dẫn "ngựa con" trên những cánh đồng hoa ?
Trả lời:
Trên những cánh đồng hoa, "Ngựa con" như bước vào thế giới vô cùng hấp dẫn, đó là những cánh đồng hoa, hoa mơ, hoa huệ, hoa cúc dại. Là "màu trắng" của hoa mơ. Là hương thơm "ngạt ngào" của hoa huệ. Là "gió và nắng xôn xao" trên các đồng cúc dại:
"Ngựa con sẽ đi khắp
Trên những cánh đồng hoa
Lóa màu trắng hoa mơ
Trang giấy nguyên chưa viết
Con làm sao ôm hết
Mùi hoa huệ ngạt ngào
Gió và nắng xôn xao
Khắp đồng hoa cúc dại."
Câu 4. Trong khổ thơ cuối, "ngựa con" nhắn nhủ mẹ điều gì ?
Trả lời:
Trong khổ thơ cuối, "Ngựa con" nhắn nhủ với mẹ rằng, tuy cách núi, cách rừng, cách sông, cách biển, nhưng "Ngựa con" vân nhớ đường để " tìm về với mẹ". Lời nhắn nhủ ấy chứng tỏ "Ngựa con" rất nhớ mẹ và yêu mẹ "Ngựa con" là một chú bé rất hiếu thảo.
Câu 5. Nếu vẽ một bức tranh minh họa bài thơ này, em sẽ vẽ như thế nào ?
Trả lời:
Nếu vẽ bài thơ thành một bức tranh em sẽ vẽ thành một bức tranh rất lớn: có núi sông rừng biển bao la, những cách đồng hoa, có mặt trời mới mọc đỏ rực, một chú ngựa tía đang phi xuống đèo... và xa xa cuối chân trời là hình bóng người mẹ hiền.
Câu 6. Ý nghĩa bài "Tuổi Ngựa " là gì.
Trả lời
Ý nghĩa bài thơ "Tuổi Ngựa" là tình yêu mẹ và ước mơ đi tới những miền đất lạ, những chân trời xa xôi để hiến dâng và lao động sáng tạo.
Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài "Tuổi Ngựa " của Xuân Quỳnh
Bài làm
Bài thơ ngũ ngôn “Tuổi Ngựa" của Xuân Quỳnh thật hồn nhiên, hóm hỉnh và ý vị.
Khổ đầu, con hỏi mẹ: "Mẹ ơi, con tuổi gì?". Tò mò hỏi cho biết, ngây thơ hỏi cho hay. Cần gì nghĩa lí sâu xa. Biết tính nết con từ khi còn nằm trong bụng, mẹ nói về hồn vía "Ngựa con" của mình với tất cả tình thương:
" Tuổi con là tuổi Ngựa
Ngựa không yên một chỗ
Tuổi con là tuổi đi".
Con thơ hiếu động. Chẳng lúc nào "yên một chỗ" Chắc là "Ngựa con" chạy nhảy và "hí" suốt ngày?
Khổ thơ thứ 2, "Ngựa con" nói lên những dặm đường, những không gian bao la, những miền đất lạ mà chú sẽ "phi" tới. Sẽ tới miền trung du qua ngọn "gió xanh". Sẽ tới vùng đất đỏ qua ngọn "gió hồng". Sẽ vượt qua những triền núi đá "mấp mô” chốn đại ngàn qua ngọn "gió đen". Và con sẽ mang về dâng mẹ hiền "Ngọn gió của trăm miền" ở bốn phương trời với bao hương vị, ở "trên những cánh đồng hoa".
Có "Lóa màu trắng hoa mơ - Trang giấy nguyên chưa viết”.
Có "Mùi hoa huệ ngạt ngào" mà con không thế "ôm hết".
Và còn có:
"Gió và nắng xôn xao
Khắp đồng hoa cúc dại".
Những bông hoa con hái được ở khắp các miền đất lạ dâng lên mẹ hiền là bông hoa của tâm hồn trong trắng, bông hoa của lòng hiếu thảo và bông hoa ước mơ, khát vọng lên đường.
Khổ cuối bài thơ nói lên tình thương mẹ của "Ngựa con". Dù cách xa mẹ muôn trùng núi, rừng, sông, biển, con vẫn luôn hướng về mẹ hiền, vẫn tìm về cố hương gặp mẹ:
"Dẫu cách núi cách rừng
Dẫu cách sông cách biển
Con tìm về với mẹ
Ngựa con vẫn nhớ đường".
Hai chữ "vẫn nhớ" khẳng định một niềm tin, một tình nghĩa thủy chung son sắt.
"Tuổi Ngựa" là một bài thơ đậm đà, gợi cảm. Tinh thương yêu mẹ hiền và khát vọng lên đường của con thơ là ý tưởng sâu sắc được Xuân Quỳnh thể hiện qua những vần thơ đẹp.
Giaibaitap.me
Soạn bài Tập làm văn: Luyện tập miêu tả đồ vật trang 150 SGK Tiếng Việt 4 tập 1. Câu 2. Lập dàn ý cho bài văn tả chiếc áo em mặc đến lớp hôm nay.
Luyện từ và câu: Giữ phép lịch sự khi đặt câu hỏi trang 151 SGK Tiếng Việt 4 tập 1. Câu 2. So sánh các câu hỏi trong đoạn văn sau. Em thấy câu các bạn nhỏ hỏi cụ già có thích hợp hơn những câu hỏi khác không ? Vì sao ?
Soạn bài Tập làm văn: Quan sát đồ vật trang 153 SGK Tiếng Việt 4 tập 1. Lập dàn ý cho đồ vật em thích: con búp bê
Soạn bài Kéo co - Tiếng Việt 4 tập 1. Câu 4. Ngoài kéo co, em còn biết những trò chơi dân gian nào khác ?