Trang chủ
Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết
Bình chọn:
3.8 trên 64 phiếu

Soạn bài Tiếng Việt lớp 4

TIẾNG VIỆT 4 TẬP 1

Soạn bài Người tìm đường lên các vì sao - Tiếng Việt 4 tập 1. Câu 4. Em hãy đặt tên khác cho truyện Người tìm đường lên các vì sao.

Soạn bài: Người tìm đường lên các vì sao trang 125 SGK Tiếng Việt 4 tập 1

Câu 1. Xi-ôn-cốp-xki mơ ước điều gì ?

Trả lời:

Ngay từ nhỏ, Xi-ôn-cốp-xki đã mơ ước được bay lên bầu trời.

Câu 2. Ông kiên trì thực hiện mơ ước của mình như thế nào ?

Trả lời:

Ông kiên trì thực hiện mơ ước của mình:

Quanh năm ông chỉ ăn bánh mì suông để dành dụm tiền mua sách vở và dụng cụ thí nghiệm. Dù Sa hoàng không ủng hộ, ông vẫn không nản chí. Ông đã kiên trì nghiên cứu và đã thiết kế thành công tên lửa nhiều tầng trở thành một phương tiện bay tới các vì sao.

Câu 3. Nguyên nhân chính giúp Xi-ôn-cốp-xki thành công là gì ?

Trả lời:

Nguyên nhân chính giúp Xi-ôn-cốp-xki thành công là sự kiên trì, nhẫn nại. Ông có ước mơ chinh phục các vì sao, có nghị lực và quyết tâm thực hiện cho bằng được ước mơ của mình.

Câu 4. Em hãy đặt tên khác cho truyện Người tìm đường lên các vì sao.

Trả lời:

Tên khác cho truyện là: Người chinh phục các vì sao, Từ mơ ước biết bay như chim.

Nội dung câu chuyện: Ca ngợi nhà khoa học Xin-ôn-cốp-xki đã kiên trì nghiên cứu, bền bỉ suốt 40 năm, đã thực hiện thành công mơ ước tìm đường lên các vì sao.

Hoặc: 

'"Cha đẻ tên lửa nhiều tầng".


Kể lại truyện Người tìm đường lên các vì sao bằng lời của Xi-ôn-cốp-xki.

Bài mẫu:

Từ nhỏ, tôi đã mơ ước được bay lên bầu trời. Có lần, tôi dại dột nhảy qua cửa sổ để bay theo những cánh chim. Kết quả, tôi bị ngã gãy chân. Nhưng rủi ro lại làm nảy ra trong đầu óc non nớt của tôi một câu hỏi: “Vì sao quả bóng không có cánh mà vẫn bay được?".

Để tìm bằng được điều bí mật đó, tôi đọc không biết bao nhiêu là sách. Nghĩ ra điều gì, tôi lại loay hoay làm thí nghiệm, có khí đến hàng trăm lần.

Có người bạn hỏi:

-  Cậu làm thế nào mà mua được nhiều sách vở và dụng cụ thí nghiệm như thế ?

Tôi cười:

-  Có gì đâu, mình chỉ tiết kiệm thôi!

Đúng là quanh năm, tôi chỉ ăn bánh mì suông và uống nước lọc. Qua nhiều lần thí nghiệm, tôi đã tìm ra cách chế tạo khí cầu bay bằng kim loại. Sa hoàng chưa tin nên không ủng hộ. Không nản chí, tôi tiếp tục đi sâu vào lí thuyết bay trong không gian. Được gợi ý từ chiếc pháo thăng thiên, sau này tôi đã thiết kế thành công tên lửa nhiều tầng, biến nó thành phương tiện để bay tới các vì sao.

Hơn bốn mươi năm khổ công nghiên cứu, tìm tòi, tôi đã thực hiện được điều tôi hằng suy nghĩ: “Các vì sao không phải để tôn thờ mà để chinh phục”.


 

Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài "Người tìm đường lên các vì sao"

Bài mẫu:

Bước sang thế kỉ XXI, ngành du hành vũ trụ, công cuộc thám hiểm mặt trăng, sao hỏa, vươn tới các vì sao... đã thu được nhiều thành tựu vô cùng kì diệu. Trong số những nhà khoa học vĩ đại được khắc tên vào "tượng đài vũ trụ", nhân loại sẽ không bao giờ quên Xi-ôn-cốp-xki, nhà khoa học vĩ đại đầu thế kỉ XX.

Đọc bài "Người tìm đường lên các vì sao", tuổi trẻ chúng ta kính cẩn nghiêng mình và vô cùng ngưỡng mộ con người xuất chúng ấy.

Sống phải có ước mơ. Ước mơ của Xi-ôn-cốp-xki thật vô cùng kì diệu. Ngay từ thuở nhỏ ông đã mơ ước bay lên bầu trời. Nhìn cánh chim bay, chú bé Xi-ôn-cốp-xki cũng "bay lên", cậu đã bị gãy chân. Nhưng mọi thành công đều có giá, thất bại là mẹ thành công. Chim bay được là nhờ đôi cánh, nhưng tại sao quả bóng không có cánh vẫn bay được? Câu hỏi ấy đã nung nấu Xi-ôn-côp-xki suốt bao đêm ngày năm tháng?

Mọi con đường đều khó khăn gian khổ. Con đường khoa học, con đường vươn tới các vì sao của người Nga vĩ đại này đã trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ. Phải kiên trì học tập, phải đọc và nghiên cứu hàng núi sách (sách khoa học, kĩ thuật), phải mua sắm nhiều thiết bị dụng cụ làm thí nghiệm. Các điều kiện ấy phải có tiền. Với Xi-ôn-côp-xki chỉ có một cách là tiết kiệm, là ăn mì đen uống nước lọc, mới cổ thể dành dụm được từng rúp, từng cô-pếch đểmua sách, mua thiết bị dụng cụ. Người không có chí lớn không thể sống được như thế!

Các tài liệu, sách vở viết về Xi-ôn-côp-xki đều cho biết ông miệt mài đọc sách thâu đêm, hì hục làm thí nghiệm, có khi đến hàng trăm lần, không có lò sưởi giữa mùa đông băng giá lạnh lẽo. Sự khổ công rèn luyện đã làm cho tài năng ông ngày càng nở rộ. Ông đã chế ra khí cầu bay bằng kim loại, ông đi sâu vào lí thuyết bay trong không gian, ông đã thiết kế thành công tên lửa nhiều tầng - một phương tiện bay tới các vì sao.

Sau hơn 40 năm khổ công nghiên cứu tìm tòi, ước mơ được bay lên bầu trời thời thư ấu của Xi-ôn-cốp-xki được thực hiện. Ông đứng trên đỉnh cao vinh quang, trở thành cha đẻ tên lửa nhiều tầng.

Nhà khoa học Nga vĩ đại này đã để lại cho chúng ta bao bài học quý báu: sống phải có mơ ước và phải tìm cách thực hiện ước mơ; sống phải có chí lớn, biết tự học và nghiên cứu để phát triển tài năng sáng tạo.

Hình ảnh Xi-ôn-cốp-xki trong bài "Người tìm đường lên các vì sao" đã để lại một ấn tượng tuyệt đẹp trong tâm hồn tuổi thơ chúng ta. Câu nói của Xi-ôn-cốp-xki: "Các vì sao không phải để tôn thờ mà để chinh phục" - là một tư tưởng vĩ đại.

Giaibaitap.me

Góp ý - Báo lỗi

Vấn đề em gặp phải là gì ?

Hãy viết chi tiết giúp Giaibaitap.me

Bài giải mới nhất

Bài giải mới nhất các môn khác