Trang chủ
Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết
Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Soạn Văn 11 Chân trời sáng tạo

Soạn văn bài Ai đã đặt tên cho dòng sông, SGK Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo tập 1. Theo bạn, vai trò của sông Hương trong tư cách “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” được nói đến trong đoạn đầu có được thể hiện trong phần còn lại của văn bản hay không? Dựa vào đâu để khẳng định như vậy?

Nội dung chính Ai đã đặt tên cho dòng sông:

Bài bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường kể về một dòng sông thơ mộng mà thiên nhiên dành tặng riêng cho xứ Huế mộng mơ. Dòng sông Hương hiện lên lúc hoang dại như một cô gái Digan, lúc lại rất trữ tình và thơ mộng.

Trước khi đọc

Câu 1: Bạn đã biết gì về Huế? Hãy chia sẻ với các bạn về điều đó.

Lời giải:

- Huế từng là kinh đô (cố đô Huế) của Việt Nam dưới triều Tây Sơn (1788–1801) và triều Nguyễn (1802–1945).

- Hiện nay, thành phố là một trong những trung tâm về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

- Khung cảnh và thiên nhiên mang vừa mang vẻ đẹp mộng mơ vừa mang vẻ đẹp hùng vĩ.

Câu 2: Dựa vào nhan đề và hình ảnh minh họa, bạn dự đoán gì về nội dung của văn bản?

Lời giải:

Dựa vào nhan đề Ai đã đặt tên cho dòng sông và hình ảnh về dòng sông Hương được khắc họa trong ảnh làm người đọc liên tưởng đến vẻ đẹp của dòng sông Hương. Từ câu hỏi tu từ ngay ở nhan đề đã tạo dấu ấn nơi trái tim người đọc về vẻ đẹp cổ kính, kì bí nhưng đậm chất lãng mạn của dòng sông nơi vùng đất cố đô. 

Trong khi đọc

Câu 1: Đoạn văn này miêu tả khúc sông nào của sông Hương? Nét đẹp riêng của khúc sông này là gì?

Lời giải:

- Đoạn văn này miêu tả khúc sông Hương ở thượng nguồn con sông toát lên vẻ đẹp kỳ vĩ: chảy “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn…”; “phóng khoáng và man dại”.

+ Khi chảy khỏi phạm vi trong vùng đại ngàn, sông Hương chuyển dòng, ẩn mình trong cuộc hành trình giữa lòng Trường Sơn, “ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng” 

→ Vẻ đẹp dữ dội và hùng vĩ của sông Hương mà ít ai biết đến khi lẫn vào giữa rừng già đại ngàn.

Câu 2: Bạn hình dung như thế nào về hình ảnh sông Hương qua đoạn văn này?

Lời giải:

Hình ảnh sông Hương ở đoạn này mang một nét đẹp dịu dàng và trí tuệ.

Câu 3: Nêu tình cảm, cảm xúc của tác giả thể hiện qua đoạn văn này.

Lời giải:

Qua đoạn văn này tác giả muốn thể hiện nỗi nhớ thương da diết về vẻ đẹp lặng lờ yên ả của sông Hương.

Câu 4: Bạn hiểu gì về mối quan hệ giữa sông Hương với Huế qua câu văn “Quả đúng như vậy…của những mái chèo khuya”?

Lời giải:

Sông Hương và Huế có một mối quan hệ gắn bó, khăng khít với nhau. Nền âm nhạc cổ điển Huế được bắt nguồn từ những cảm hứng của người nghệ sĩ trên chính dòng sông này.

Câu 5: Bạn hiểu như thế nào về hình ảnh “sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc” trong đoạn văn này?

Lời giải:

Trong lịch sử, sông Hương mang vẻ đẹp hùng tráng, vẻ vang, bởi nó gắn bó với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta (tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Nam của nước Đại Việt, soi bóng kinh thành Phú Xuân của Nguyễn Huệ vào thế kỉ 18, sống bi tráng cùng những cuộc khởi nghĩa thế kỉ 19, đi vào thời đại CMT8 và lập bao chiến công qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ).

Sau khi đọc

Câu 1: Thực hiện các yêu cầu dưới đây: 

a. Nêu một số chi tiết cho thấy hình tượng sông Hương trong văn bản được miêu tả từ nhiều góc nhìn khác nhau (thiên nhiên, lịch sử, văn hoá,...). 

b. Liệt kê một số từ ngữ, câu văn cho thấy sự hiện diện cái “tôi” của tác giả trong văn bản. 

c. Phân tích vẻ đẹp của sông Hương được miêu tả qua một đoạn văn trong văn bản. 

Lời giải:

a. - Góc nhìn thiên nhiên:

+ Ở thượng nguồn: sông Hương vừa mang vẻ đẹp phóng khoáng, man dại, bản lĩnh, tự do (một trường ca, rầm rộ, mãnh liệt, cuộn xoáy, cô gái Di-gan, bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do, trong sáng) vừathơ mộng, trữ tình (dịu dàng và say đắm giữa…đỗ quyên rừng).

+ Ở ngoại vi thành phố: sông Hương mang nhiều vẻ đẹp phong phú như thơ mộng, trữ tình (người gái đẹp nằm ngủ mơ màng…đầy hoa dại); chủ động, mãnh liệt, duyên dáng với hành trình tìm kiếm tình yêu (chuyển dòng liên tục, vòng giữa, uốn mình, chuyển hướng, vòng qua, đột ngột vẽ, ôm lấy…); trầm mặc, cổ kính (Giữa đám quần sơn…như triết lí, như cổ thi); bình dị (mặt nước phẳng lặng…bát ngát tiếng gà).

+ Ở trong thành Huế: thủy chung, chỉ thuộc về một thành phố duy nhất là Huế; sông Hương mang vẻ đẹp tình tứ, duyên dáng, vui tươi của cô gái gặp người tình nhân mong đợi (kéo nét thẳng thực yên tâm, vui tươi hơn, uốn cánh cung rất nhẹ…tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu); có điệu chảy slow tình cảm dành riêng cho Huế.

- Góc nhìn lịch sử: chứng nhân lịch sử, gắn bó với mọi biến cố của Huế (dòng sông biên thùy thời vua Hùng, dòng sông viễn châu oanh liệt thời trung đại, dòng sông vẻ vang thời Nguyễn Huệ, dòng sông bi tráng thời kì cách mạng tháng Tám).

- Góc nhìn văn hóa: Sông Hương là cái nôi của âm nhạc cổ điển Huế; dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ (mang nhiều sắc thái khác nhau trong thơ Tản Đà, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Tố Hữu…).

b. Một số từ ngữ, câu văn cho thấy cái tôi của tác giả trong văn bản là:

- "bản trường ca của rừng già", "cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại", là "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở", "người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức", "điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế"...

- "rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng".

- "Tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước của trăm loại hoa đổ xuống dòng sông để làn nước thơm tho mãi mãi".

c. Đoạn văn tham khảo phân tích vẻ đẹp của sông Hương ở thượng nguồn:

Sông Hương nhìn từ cội nguồn là dòng chảy có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn. Trong mối quan hệ đặc biệt này, sông Hương tựa như “một bản trường ca của rừng già” với nhiều tiết tấu hùng tráng, dữ dội: khi “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn”, lúc “mãnh liệt vượt qua ghềnh thác”, khi “cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực sâu”, lúc “dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Bằng biện pháp nhân hoá, sông Hương hiện ra tựa “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại” với một “bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”. Theo tác giả, nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành mà không chú ý tìm hiểu sông Hương từ nguồn cội, người ta khó mà hiểu hết cái vẻ đẹp trong phần tâm hồn sâu thẳm của dòng sông mà chính nó đã không muốn bộc lộ. Có thể nhấn mạnh sông Hương vùng thượng lưu toát lên vẻ đẹp của một sức sống mãnh liệt, hoang dại, đầy cá tính.

Câu 2: Chỉ ra yếu tố tự sự, yếu tố trữ tình và tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó trong đoạn văn: “Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên… chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”. Tìm và phân tích một vài đoạn khác trong văn bản có đặc điểm tương tự.

Lời giải:

* Đoạn văn: “Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên… chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”.

- Yếu tố tự sự: giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực theo hướng tây nam – đông bắc; nơi cuối con đường là chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời.

- Yếu tố trữ tình: như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên; nơi cuối con đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng…nhỏ nhắn như những vành trăng non.

=> Tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó là: Giúp cho câu văn trở nên trong trẻo, có hồn và có tình hơn; lột tả được hết những vẻ đẹp của sông Hương khi đi qua.

* Phân tích đoạn văn: “Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như con lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”.

- Yếu tố tự sự: Vùng châu thổ cùng sự tươi tốt, rầm rộ của rừng già với những cây cổ thụ ngàn năm cùng những ghềnh thác, đáy vực và cả rừng đỗ quyên đỏ rực.

- Yếu tố trữ tình: Châu thổ êm đêm, bản tình ca của rừng già, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như con lốc vào những đáy vực bí ẩn, dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng

=> Tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó là: Giúp cho câu văn trở nên đẹp đẽ, thơ mộng đi vào lòng người đọc, làm toát lên vẻ đẹp huyền bí, dịu dàng thơ mộng của sông Hương khi ở thượng nguồn.

Câu 3: Phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản.

Lời giải:

- Biện pháp so sánh: “[…] sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”

Tác dụng: khiến sông Hương trở nên sinh động, có hồn, dòng sông gần với tâm hồn của con người xứ Huế.

- Biện pháp nhân hóa: “[…] sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long […]”

Tác dụng: khiến sông Hương trở nên sinh động, có hồn, gần gũi và thân thiết với con người.

Câu 4: Nhận xét về cách thể hiện cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm.

Lời giải:

Cảm hứng thẩm mĩ là khả năng rung cảm của con người trước những ấn tượng thẩm mĩ được nhận thức, là sự rung động của tâm hồn con người trải qua quá trình thụ cảm cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài, trong cuộc sống.

Cảm hứng thẩm mĩ của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? là sự ngợi ca vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của con sông Hương từ khi ở thượng nguồn đến khi về với thành phố Huế - con sông của lịch sử, văn hóa, thi ca của mảnh đất cố đô.

Câu 5: Theo bạn, vai trò của sông Hương trong tư cách “người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở” được nói đến trong đoạn đầu có được thể hiện trong phần còn lại của văn bản hay không? Dựa vào đâu để khẳng định như vậy?

Lời giải:

- Vai trò của sông Hương trong tư cách “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” được nói đến trong đoạn đầu đã được thể hiện tiếp trong phần còn lại của văn bản dựa vào đoạn văn “Có một dòng thi ca… tác giả “Từ ấy””.

- Không gian sông nước êm đềm, thơ mộng ấy cơ hồ chính là nguồn cảm hứng bất tận để “toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này”,… “Người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” ấy đã đắp bồi nên một nền âm nhạc cổ điển đáng trân quý giữa cái không gian trầm mặc của kinh thành lăng tẩm.

Câu 6: Việc tác giả có những phát hiện đặc biệt về sông Hương đã đem đến cho bạn bài học gì về cách quan sát, cảm nhận cuộc sống xung quanh?

Lời giải:

Việc tác giả có những phát hiện đặc biệt về sông Hương đã đem đến cho người đọc bài học về cách quan sát và cảm nhận về cuộc sống xung quanh: cái nhìn từ những góc độ khác nhau: địa lí, lịch sử, văn hóa… sẽ mang đến cho chúng ta góc nhìn với những vẻ đẹp và cảm nhận khác nhau mới lạ cùng nhiều những cung bậc cảm xúc về diện mạo, tâm tình...

Bài tập sáng tạo

Sáng tác một bài thơ, vẽ một bức tranh,... về hình tượng sông Hương (hoặc về sông núi quê hương của bạn).

Lời giải:

Học sinh có thể sáng tác bài thơ hoặc vẽ tranh về sông Hương. Ví dụ tham khảo:

- Thơ:

Chiều Hương Giang (1981) – Tác giả Nguyễn Khoa Điềm

Sau chiều nay, còn buổi chiều khác nữa,

Có thể mây cao, có thể nắng vàng,

Cơn gió thổi những buổi chiều chưa tới

Tóc bao người bay rợi cả không gian...

 

Nhưng chiều nay, con bò gặm cỏ,

Bên dòng sông, như chưa biết chiều tan.

Tôi với nó lặng im, bè bạn

Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang.

 

Những buổi chiều, những buổi chiều quê hương,

Tôi đã sống và tôi chưa được sống,

Nhưng chiều nay, vô tình trong nắng muộn,

Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang...

- Vẽ tranh:

Giaibaitap.me

Góp ý - Báo lỗi

Vấn đề em gặp phải là gì ?

Hãy viết chi tiết giúp Giaibaitap.me

Bài giải mới nhất

Bài giải mới nhất các môn khác